Interpol đã phát lệnh truy nã đỏ ông Trịnh Xuân Thanh
Ngày 17/11, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Thượng tướng Lê Quý Vương (Thứ trưởng Bộ Công an) cho biết chất vấn của các đại biểu liên quan đến trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh “vì sao có vi phạm lại ra đi một cách êm ả” là đúng, tuy nhiên không nhất thiết phải công khai trả lời vì vụ án đang trong quá trình điều tra.
“Đang điều tra nên có những thông tin về vụ án đưa ra bất lợi, ví dụ chúng ta họp Quốc hội, Trịnh Xuân Thanh cũng theo dõi qua mạng. Thông tin diễn ra trên nghị trường, nhưng chỉ một phút sau lên mạng hết vì thế giới phẳng. Vụ án khi đến giai đoạn kết thúc điều tra thì tất cả mọi việc sẽ được làm sáng tỏ”, Tướng Vương nói.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an. |
Trước việc đại biểu dẫn ý kiến cử tri cho rằng, trong nước phát lệnh truy nã quốc tế nhưng “trên hệ thống mạng Interpol (tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế) chưa có tên Trịnh Xuân Thanh”, Thứ trưởng Công an cho hay qua kiểm tra thấy Ban thư ký của Interpol đã ra lệnh truy nã quốc tế ông Trịnh Xuân Thanh từ 29/9, sau khi nhận được yêu cầu của cơ quan điều tra Việt Nam. “Đây là lệnh truy nã đỏ, nhiều nước đã nhận được”, Tướng Vương cho hay.
Thông tin thêm về vụ án liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, Thượng tướng Lê Quý Vương nói đây là vụ án nhận kết quả từ công tác thanh tra, kiểm tra. Khi tiếp nhận hồ sơ phải có một quá trình giải quyết theo quy định về tin báo tố giác tội phạm, “vì vậy phải có thời gian”. Cụ thể như, tất cả những vấn đề trong vụ án phải được xem xét, nghiên cứu, trong khi nhiều vấn đề xảy ra từ năm 2008 – 2013. Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) có 43 công ty con, trong thời điểm đó PVC thực hiện 67 dự án, công trình…, nhiều công trình làm dở dang chưa quyết toán, tất cả những yếu tố đó đặt ra áp lực lớn với công tác điều tra.
Ngày 15/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự đối với ông Trịnh Xuân Thanh, để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại PVC thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thời gian ông Thanh làm lãnh đạo tại đây.
Trong cuộc tiếp xúc cử tri tại Đà Nẵng hồi tháng 10, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết, ông Trịnh Xuân Thanh đã vượt biên trốn ra nước ngoài rồi bay sang châu Âu.
Lệnh truy nã đỏ là quy ước truy nã phổ biến và nổi tiếng nhất trong hệ thống lệnh truy nã hiện có của Interpol và cũng là một loại giấy chứng nhận bắt giữ hình sự mang tính chất tạm thời. Lệnh truy nã đỏ chính thức được ban hành và có hiệu lực sau khi có cả hai chữ ký, một của Trưởng trung tâm Interpol nước xin phát lệnh truy nã và chữ ký của Tổng thư ký Tổ chức Interpol quốc tế. Trong lệnh truy nã đỏ ngoài ảnh đối tượng truy nã còn có hai phần nội dung chính yếu. Phần thứ nhất là những thông tin liên quan nhân thân đối tượng (họ tên, quốc tịch, đặc điểm nhận dạng, vân tay, số hộ chiếu, số chứng minh thư…). Phần thứ hai là những thông tin tư pháp thông báo quá trình phạm tội và những căn cứ pháp luật để bắt giữ đối tượng (trích yếu vụ án, tòng phạm, tội danh, các điều khoản pháp luật liên quan, lệnh bắt giữ, bản án, thời gian bản án có hiệu lực…). Trong vòng 1 tuần, lệnh truy nã đỏ sẽ được Tổng thư ký Interpol xem xét, sau đó chuyển cho các chuyên gia luật pháp của Interpol thẩm định kỹ càng mới được ký duyệt và chính thức có hiệu lực tại lãnh thổ các quốc gia thành viên Interpol. (Theo CAND) |
Anh Minh
Nhận xét
Đăng nhận xét